CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

TP.HCM: Dự kiến chi hàng chục ngàn tỷ đồng cải tạo hệ thống kênh, rạch

0

(TN&MT) – Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 – 2025, TP.HCM sẽ bố trí và tìm nguồn vốn lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng để cải tạo nhiều tuyến kênh, rạch nhằm chỉnh trang đô thị và xóa các điểm nóng về ô nhiễm môi trường.

Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM vừa có Tờ trình gửi UBND TP.HCM về Kế hoạch tổ chức thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, TP.HCM sẽ triển khai 53 dự án cải tạo kênh, rạch, di dời 20.300 căn nhà trên và ven kênh, rạch theo 2 loại chính: dự án thuộc vốn ngân sách và dự án vốn ngoài ngân sách.

Trong đó, Dự án cải tạo kênh Đôi (quận 8) sẽ được phân kỳ thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 triển khai trong thời gian 2021 – 2025, quy mô thực hiện trong phạm vi 13m thuộc hành lang bảo vệ kênh Đôi, kè bờ dài 9,7km. Dự kiến sẽ di dời 2.670 căn nhà, tổng vốn đầu tư 9.073 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, trong đó, riêng phần bồi thường giải phóng mặt bằng là 6.300 tỷ đồng. Giai đoạn này, Dự án tập trung giải tỏa các nhà lấn chiếm kênh, rạch, kè bờ, nạo vét kênh và xây hạ tầng như mở rộng hẻm, kết nối giao thông đường thủy, tổ chức hoạt động kinh doanh, mua bán theo hình thức “trên bến dưới thuyền” phát huy cảnh quan sông nước của khu vực.

TP.HCM dự kiến bố trí 9.073 tỷ đồng ngân sách để triển khai giai đoạn 1 Dự án cải tạo kênh Đôi

Giai đoạn 2 có quy mô 39ha, dự kiến di dời 2.385 căn nhà. Sau khi hoàn tất công tác phê duyệt điều chỉnh cục bộ Đồ án quy hoạch, TP.HCM sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện giai đoạn 2 từ ranh thực hiện Dự án ra đến đường Phạm Thế Hiển. Nhà đầu tư trúng thầu sẽ hoàn trả cho lại cho ngân sách phần đã thực hiện của giai đoạn 1.

UBND TP.HCM vừa yêu cầu các Sở, ngành, các quận, huyện, TP. Thủ Đức tăng cường quản lý, giữ gìn chất lượng vệ sinh môi trường trên đường phố, vỉa hè, cầu cống, hầm ga, cửa xả và các tuyến kênh, rạch trên địa bàn. Thành phố sẽ quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu trước tình trạng phát sinh rác thải bừa bãi, không đúng quy định, dẫn đến không đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường và trật tự đô thị, đặc biệt là chất lượng vệ sinh của các tuyến sông, kênh, rạch.

Theo Sở Xây dựng, Dự án chỉnh trang đô thị, di dời và tái định cư các hộ dân sống trên và ven kênh Đôi có quy mô di dời và bồi thường lớn. Hiện các Sở, ngành đang tổ chức lập, trình UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh cục bộ Đồ án Quy hoạch chi tiết 1/2000 Khu dân cư phường 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 của quận 8.

Ngoài Dự án kênh Đôi, giai đoạn 2021 – 2025, TP.HCM sẽ cải tạo 3 dự án nhóm 1 sử dụng ngân sách, gồm: Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh và Gò Vấp), tổng mức đầu tư 9.350 tỷ đồng, di dời 2.195 nhà dân; Dự án cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình), tổng mức đầu tư 1.980 tỷ đồng, di dời 190 nhà dân; Dự án cải tạo rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh), tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, di dời 834 nhà dân. Đây là 3 điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường trong nhiều năm nay, người dân đã nhiều năm kiến nghị thành phố sớm triển khai các dự án cải tạo các tuyến kênh, rạch này.

Trước đó, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất hỗ trợ thành phố ngân sách để triển khai toàn bộ vốn đầu tư dự án cải tạo, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm và Dự án cải tạo kênh Hy Vọng. Theo lãnh đạo TP.HCM, đây là những dự án trọng điểm, cấp bách, tuy nhiên ngân sách thành phố hiện khó khăn, không đủ bố trí. Theo đó, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 bằng ngân sách thành phố được thông qua với mức vốn 142.557 tỷ đồng nhưng chỉ đủ cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 – 2020.  Trong khi đó, ngân sách thành phố hiện đang ưu tiên cho công tác phòng, chống Covid-19, việc bố trí kinh phí cho các dự án càng gặp trở ngại. Vì vậy, TP.HCM mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ, đề xuất Chính phủ chấp thuận bổ sung ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 – 2025 để đầu tư các dự án nói trên.

Nhằm duy trì chất lượng vệ sinh tại các khu vực kênh, rạch đã cải tạo và không để phát sinh điểm ô nhiễm mới, TP.HCM sẽ tăng cường công tác quản lý Nhà nước, triển khai nghiêm việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hành chính đối với công tác vệ sinh môi trường, công trình lấn chiếm kênh rạch. Giao Sở TN&MT kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các điểm tập kết rác, trạm trung chuyển, chất lượng vệ sinh đường phố, kênh rạch, việc giải quyết các điểm ô nhiễm về rác thải, quản lý thùng rác công cộng và nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm môi trường.

Nguồn baotainguyenmoitruong.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.